Trong những ngày tháng Năm lịch sử, toàn thể dân tộc Việt Nam thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài, người cha già kính yêu, anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa kiệt xuất. Trái tim mỗi người con đất Việt như lặng lại khi hướng về Lăng Bác – nơi lắng đọng những giá trị thiêng liêng, biểu tượng của tinh thần yêu nước, lòng biết ơn và sự thành kính đối với Người.

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên giữa lúc đất nước bị thực dân đô hộ, chứng kiến các phong trào kháng chiến thất bại vì thiếu đường lối đúng đắn, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã sớm nuôi dưỡng ý chí ra đi tìm đường cứu nước. Ngày 5/6/1911, lấy tên gọi là Văn Ba, Người rời Bến cảng Nhà Rồng trên con tàu L’amiral Latouche Tréville ra đi tìm đường cứu nước. Hành trình của người thanh niên ấy đã mở ra cho dân tộc Việt Nam con đường tiến tới độc lập, tự do. Đó cũng là hành trình của một trái tim yêu nước, thương dân sâu sắc của Người.

Ngày 5/6/1911, Người rời Bến cảng Nhà Rồng trên con tàu L’amiral Latouche Tréville ra đi tìm đường cứu nước

Nguồn: TTXVN

Trong những năm tháng hoạt động ở nước ngoài, Người làm nhiều nghề, tham gia phong trào cách mạng quốc tế, đồng thời đấu tranh không ngừng nghỉ cho tự do của nhân dân Việt Nam. Từ việc gửi “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị Versailles (1919), tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp (1920), sáng lập báo Người cùng khổ, xuất bản Bản án chế độ thực dân Pháp, đến việc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925) để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam, Người đã chuẩn bị những tiền đề căn bản cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930 – sự kiện lịch sử trọng đại mở ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc.

Tại Đại hội toàn quốc Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (nước Pháp), tháng 12/1920, đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng cộng sản Pháp.

Năm 1941, Người về nước, chủ trì Hội nghị Trung ương 8, xác định rõ nhiệm vụ giải phóng dân tộc là hàng đầu, thành lập Việt Minh, lãnh đạo nhân dân chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người được Quốc hội khóa I bầu làm Chủ tịch nước, tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Trong những năm tiếp theo, Người cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người đặt nền móng cho tình đoàn kết quốc tế, tăng cường quan hệ với các dân tộc tiến bộ trên toàn thế giới, đưa hình ảnh Việt Nam ra trường quốc tế với lòng kính trọng và khâm phục sâu sắc.

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời là mất mát vô cùng to lớn của dân tộc. Di chúc thiêng liêng của Người để lại là kết tinh trí tuệ, đạo đức và khát vọng cao cả cho độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt khỏi biên giới quốc gia, trở thành nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho các phong trào đấu tranh vì hòa bình, công lý, dân chủ và tiến bộ nhân loại.

Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn luôn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tấm gương đạo đức và phong cách sống của Người – trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; yêu thương con người, sống nghĩa tình, nhân hậu; có tinh thần quốc tế trong sáng – tiếp tục là chuẩn mực để thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước nói chung, cùng tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Công nghệ – Đại học Kinh tế Quốc dân nói riêng, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Chúng ta luôn khắc ghi công lao to lớn của Bác, trân trọng giá trị của độc lập, tự do, và biết ơn sâu sắc vì được sống, học tập, cống hiến trong thời đại hòa bình – kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam.